EU và Anh bước vào vòng đàm phán thương mại mới hậu Brexit
12/05/2020 22:50
Vòng đàm phán mới sẽ bắt đầu với cuộc đàm phán trực tuyến giữa Trưởng đoàn đàm phán EU Michel Barnier và người đồng cấp Anh David Frost, cả hai đều vừa bình phục sau khi mắc COVID-19.
Trưởng đoàn đàm phán của EU về Brexit Michel Barnier (phải) và Trưởng đoàn đàm phán Brexit của Anh David Frost (trái) tại cuộc gặp ở Brussels, Bỉ, ngày 2/3 vừa qua. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Ngày 11/5, Liên minh châu Âu (EU) và Anh bước vào vòng đàm phán thương mại thứ ba với không có nhiều hy vọng về một sự đột phá, trong bối cảnh khoảng thời gian đàm phán về một thỏa thuận thương mại giữa hai bên thời kỳ hậu Brexit vốn chưa đầy một năm nay lại đang càng thêm hạn hẹp do tác động của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Vòng đàm phán mới sẽ bắt đầu với cuộc đàm phán trực tuyến giữa Trưởng đoàn đàm phán EU Michel Barnier và người đồng cấp Anh David Frost, cả hai đều vừa bình phục sau khi mắc COVID-19.
Tiếp sau đó là cuộc đàm phán trực tuyến có sự tham dự của hàng trăm quan chức, dự kiến kéo dài tới hết tuần này.
Hôm 20/4 vừa qua, Anh và EU đã tiến hành đàm phán lần hai theo hình thức trực tuyến, chậm hơn một tháng so với dự kiến do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Sau đàm phán, ngày 24/4 vừa qua, Trưởng đoàn đàm phán EU Michel Barnier nhận định hai bên đạt được rất ít tiến bộ.
Ông cáo buộc London đã không tham gia “thực sự nghiêm túc vào một số vấn đề căn bản.”
Về phía mình, London mô tả các cuộc thảo luận là “đầy đủ và mang tính xây dựng” nhưng cũng thừa nhận đạt ít tiến triển trong việc thu hẹp khoảng cách giữa hai bên.
Anh chính thức rời EU vào cuối tháng Một vừa qua nhưng vẫn tuân theo các quy định của khối này trong giai đoạn chuyển tiếp kéo dài tới cuối năm nay trong khi hai bên đàm phán thỏa thuận thương mại song phương.
Thủ tướng Anh Boris Johnson đã loại trừ việc kéo dài thời kỳ chuyển tiếp nói trên và hai bên sẽ có một hội nghị thượng đỉnh Anh-EU vào tháng Sáu tới để quyết định liệu có cần phải tiếp tục đàm phán hay không.
Hiện cả EU và Anh đều cho rằng các lĩnh vực chính như ngư nghiệp và khái niệm "sân chơi bình đẳng;” cho phép cạnh tranh công bằng và cởi mở, đang là những rào cản chính đối với nỗ lực đạt được thỏa thuận thương mại giữa hai bên.